Để có một bài văn biểu cảm thực ra không cần phải dựa trên quá nhiều nguyên tắc như sách giáo khoa đã chỉ dẫn đâu. Tôi cho rằng văn biểu cảm phải dựa trên điều cốt yếu và xuyên suốt chính là cảm xúc của người làm văn.
Nếu theo cách thông thường ta sẽ có một dàn bài xương sống cho văn biểu cảm như sau :
- Mở bài : Giới thiệu sơ qua về sự vật, sự việc, con người… muốn đề cập tới trong bài văn.
- Thân bài : Dựa vào những đặc trưng về hình dạng, tính cách, các tình huống cụ thể để thể hiện cảm xúc, quan điểm, đánh giá của mình thông qua biện pháp gián tiếp như miêu tả, so sánh, ẩn dụ hoặc trực tiếp từ lời kêu, tiếng cười, than thở,…
- Kết bài : Đúc kết lại tình cảm/ cảm xúc của người viết.
Đây chỉ là dàn bài chung, dành cho những em học sinh không cần đầu tư quá nhiều vào môn Văn vì để dành thời gian cho những môn khác. Tuy nhiên, nếu muốn phát huy được trí tưởng tượng và khơi dậy tiềm năng ở những em viết tốt, khung tiêu chuẩn này sẽ kiềm hãm rất nhiều khả năng diễn đạt và biểu lộ cảm xúc của người viết, nhất là những em muốn theo con đường liên quan đến Văn học sau này.
Cho nên, tôi luôn mong các thầy cô đừng cứng nhắc quá trong việc làm văn của các em. Văn học cũng là nghệ thuật, là thiên về trí tưởng tượng phong phú hơn nhiều so với những tiêu chuẩn kia. Một cảm xúc có thể được bộc lộ ngay từ đầu bài văn mà không cần phải giới thiệu quá nhiều về đối tượng đó, một kết bài không nhất thiết phải đúc kết lại, đôi khi cái tình cảm dở dang chưa có hồi kết lại là cái hay nhất, khiến ta còn đọng lại suy tư sau khi đọc.
Nên nhớ : Văn biểu cảm là thể hiện cảm xúc, không phải là Văn quy tắc.
Văn biểu cảm chỉ có một quy định duy nhất: là tìm được cảm xúc ở sự vật, sự việc mà các em được giao cho khi làm bài.
Một bài văn biểu cảm hay là một tác phẩm thể hiện rất nhiều sự gửi gắm của người viết và chạm đến trái tim người đọc .