Tại Sao Lá Cây Có Màu Xanh

Một mùa hè oi ả, tôi đang dắt cháu đi dạo dưới dàng cây rợp bóng mát. Gió hiu hiu thổi làm tâm hồn tôi lơ đễnh. Đang mênh mang trong suy tưởng, đứa cháu bỗng hỏi: Cậu ơi, tại sao lá cây có màu xanh?

Haha, tôi thực sự cảm thấy bối rối. Câu hỏi đó giống hệt tôi cách đây 26 năm, khi tôi là đứa bé lên 6 hỏi ba. Ưu điểm tuyệt đối của trẻ thơ so với người lớn là sự tò mò. Chúng gặp gì cũng hỏi: Cái này là cái gì? Tại sao lại thế này? Cái này có ăn được không?… Đối với tôi, trẻ thơ là thiên tài nghiên cứu và sáng tạo. Chúng có thể bỏ ra cả giờ đồng hồ chỉ để nhìn một con tò vò cặm cụi xây tổ. “Người lớn” đã quên và mai một óc tò mò mà thượng đế ban tặng.

Không chỉ tôi, các bạn rất có thể cũng sẽ gặp những câu hỏi như vậy. Trong bài viết này, tôi sẽ giải thích rõ tại sao lá cây có màu xanh, tại sao lá cây lại ngả vàng khi sang thu,…

Bắt đầu thôi!

Trong chương trình sách giáo khoa lớp 6 môn sinh học hiện nay đã giới thiệu chất diệp lục đến các em học sinh. Một học sinh lớp 6 có thể trả lời nhanh: Lá cây có màu xanh là do trong lục lạc lá cây có chất diệp lục. Điều đó đúng. Nhưng để hiểu bản chất thì học sinh phải học đến lớp 12, khi các e bắt đầu hiểu về khái niệm của thuật ngữ quang phổ trong bộ môn vật lý.

Tuy nhiên, câu trả lời nhanh và đầy đủ câu hỏi “Tại sao lá cây màu xanh” là vì trong lục lạc của lá cây có chứa chất diệp lục (màu xanh của chất diệp lục có được là do trong chất diệp lục có chứa Magie). Mỗi một mm2 có chứa khoảng 40 vạn lục lạc. Ngoài chất diệp lục, trong lá cây còn có rất nhiều chất khác. Chúng có màu cam, đỏ, tím, vàng,… Tuy nhiên chất diệp lục chiếm tỷ lệ lớn nhất.

2. Tại Sao Chất Diệp Lục Có Màu Xanh?

Về tên gọi, Diệp lục là chữ Hán Việt. “Diệp” nghĩa là “lá”, “lục” là “màu xanh”. Chỉ nghe tên chúng ta đã mường tượng được màu sắc của lá.

Muốn biết tại sao chất diệp lục lại có màu xanh, chúng ta cần tìm hiểu thêm về vật lý quang phổ. Màu sắc mà mắt thường con người nhìn thấy là màu các chất, vật thể ngoại quan không hấp thu được.

Ánh sáng trắng có trong tia sáng mặt trời phát ra có 7 màu cơ bản. Các màu này được mắt thường phân biệt rõ nhất khi nhìn thấy cầu vồng sau mưa.

Chất diệp lục hấp thu mạnh nhất vùng tia đỏ và tia xanh tím của ánh sáng mặt trời. Ngược lại chất diệp lục không hấp thu ánh sáng màu xanh lục. Vì vậy màu xanh được phản chiếu lại mắt ta, chúng ta sẽ thấy lá cây màu xanh.

Đó là trong trường hợp ánh sáng mặt trời chiếu trên lá và phản xạ lại mắt ta. Nếu chúng ta sử dụng nguồn chỉ có ánh sáng đỏ (màu mà chất diệp lục hấp thu mạnh nhất) thì màu mắt thường nhìn thấy chỉ là một màu đen. Lý do là không có màu xanh lục để phản chiếu lại, màu đỏ đã bị chất diệp lục hấp thu nên chúng ta chỉ thấy lá cây màu đen.

3. Vì sao lá cây chuyển màu vàng khi sang mùa thu?

Chắc hẳn bạn đã không ít lần mải mê ngắm cảnh khung trời mùa thu. Cảm nhận cái không khí se lạnh, mặt hồ tĩnh mịch và hàng cây ngả vàng. Mùa thu cũng là khoảng thời gian mà nhiều kiệt tác hội họa được ra đời. Có thể kể đến tác phẩm “Mùa thu vàng – 1895” của danh họa Isaac Levitan hay bài thơ “Tiếng thu” nổi tiếng của cố thi sỹ Lưu Trọng Lư.

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

Miên man đủ rồi. Tại sao lá cây lại chuyển màu vàng khi trời sang thu nhỉ?

Chúng ta đã được biết quá trình quang hợp là vô cùng quan trọng cho sự phát triển của cây cối. Nguyên nhân chính lá cây chuyển sang màu vàng là nhiệt độ môi trường thay đổi và cường độ ánh sáng mặt trời cung cấp giảm dần khi trời chuyển sang thu. Khi đó chất diệp lục không nhận đủ ánh sáng mặt trời để cây quang hợp. Vì vậy cây không đủ năng lượng để tái tạo lượng chất diệp lục bị mất đi.

Khi cây tạm dừng sản xuất chất diệp lục, các màu khác vốn chiểm tỷ lệ nhỏ trỗi dậy, hàm lượng lớn hơn chất diệp lục. Màu vàng, cam xuất phát từ sắc tố carotinoids bắt đầu chiếm ưu thế, làm cho lá cây chuyển dần sang màu vàng.

Kết luận

Như vậy, qua bài viết này các bạn đã hiểu rõ lý do tại sao lá cây có màu xanh. Về khoa học thì điều này liên quan đến cấu tạo sinh học và vật lý quang phổ. Còn câu trả lời của tôi dành cho cháu: “Lá cây màu xanh bởi vì khi cháu ngắm nhìn thiên nhiên quanh ta, màu xanh trong mắt cháu làm cho cháu xinh đẹp hơn. Mẹ thiên nhiên yêu cháu rất nhiều!”

Cảm ơn các bạn đã đọc và chia sẻ bài viết!

Việt Hoàng

Có thể bạn quan tâm:

Leave a Comment